THIÊN HUYỀN 2

Thiên Huyền  2

 

A. Tinh Cách Mật của Thiền Thư
B. Nguy Hiểm sinh ra do Cá Tính
C. Nguy Hiểm do Nhân Quả của Thiền Sinh
D. Nguy Hiểm từ những Lực cõi Thanh

Trong bài 1 chúng ta có nói về những điểm căn bản khi tập thiền, luật lệ phải tuân thủ, qui tắc phải giữ gìn. Kỳ này ta sẽ bàn về những hiểm họa có thể xẩy ra để khuyến cáo người học thiền đừng để lòng nhiệt thành lôi cuốn đi xa, làm ngăn trở sự phát triển về sau hay tạo nên làn rung động phải sửa đổi sau này. Chúng làm trì hoãn công việc và khiến con người phải bắt đầu trở lại, điều có thể tránh được nếu biết kịp thời.

A. Tinh Cách Mật của Thiền Thư
Một số giảng giải và chỉ dẫn không được tỏ lộ hay viết thành văn vì ba lý do sau:
● Vài huấn thị chỉ luôn luôn được truyền khẩu, vì nó khêu gợi trực giác mà không được để cho hạ trí cân nhắc, lý luận; chúng cũng có thể gây nguy hiểm nếu lọt vào tay ai chưa sẵn sàng.
●  Vài huấn thị liên quan đến bí ẩn của đường Đạo và chính là để áp dụng cho nhóm mà thiền sinh có liên hệ. Chúng chỉ được dạy trong nhóm khi con người hoạt động ngoài thể xác. Những chỉ dẫn ấy thuộc về phần bí truyền các cung, về sự thỉnh cầu trợ lực của thiên thần cấp cao để đạt kết quả mong muốn. Hiểm họa đi kèm với các việc này thật lớn lao khiền chúng không được trình bầy trong sách vở thông thường. Bao lâu chưa có bậc thầy minh triết bằng xương bằng thịt ở cõi trần, và đệ tử vị ấy tụ lại quanh để được che chở trong hào quang ngài và thấm nhuần làn rung động kích thích, sẽ không thể truyền giảng cách thức, kinh cầu và thần chú thuộc loại đặc biệt; cũng như không thể khơi dậy các huyệt sớm hơn mức tiến hóa đã định.
●  Chi tiết về cách triệu thỉnh thiên thần lúc tham thiền không thể được giao cho cá nhân một cách an toàn, tuy nó đã được khởi sự giao cho nhóm như trong các nghi lễ tôn giáo. Cách điều khiển các tinh linh thấp vẫn chưa thể được truyền, vì con người vẫn chưa đáng tin để được nhận quyền năng ấy, đa số còn bị thôi thúc bởi dục vọng ích kỷ, và sẽ lạm dụng quyền năng cho mục đích riêng của mình. Với các bậc Huấn Sư minh triết, các ngài theo quan niệm là ít hiểu biết sẽ cho ra ít hiểm nguy hơn là nhiều hiểu biết, và nhân loại loại sẽ gặp nhiều trở ngại nghiêm trọng do việc áp dụng lầm quyền năng mà huyền bí gia sơ cơ mới đạt, hơn là do sự thiếu hiểu biết, vốn sẽ không gây nên nhân quả.
Quyền năng đạt được nhờ tham thiền, nhờ việc chấn chỉnh các thể qua thiền, khả năng nẩy nở trong mỗi thể do những cách thiền rõ rệt và việc đạt tới tâm thức Chân nhân đều là chuyện nghiêm trọng không thể coi thường, nên chỉ những ai mà vị thầy tin tưởng mới được chỉ dạy. Và tin tưởng chuyện gì ? Tin là họ suy nghĩ theo tinh thần nhóm thay vì cá nhân, tin rằng họ sẽ dùng hiểu biết thâu lượm được về các thể và về nhân quả người chung quanh chỉ để trợ giúp các người ấy mà không vào mục đích riêng tư, tin là họ sẽ dùng quyền năng huyền bí để thúc đẩy cuộc tiến hóa và thực hiện Thiên cơ ở mọi cõi.
Nói rõ hơn, một trong những thành quả của tham thiền khi thực hành đều đặn là dưới sự chỉ dẫn đúng đắn là chuyển di tâm thức từ phàm nhân sang Chân nhân. Con người có khả năng thấy ở cõi thượng trí, do trực giác nhận ra các sự kiện trong đời kẻ khác, thấy trước biến cố và biết được giá trị tương đối của họ. Chỉ thiền sinh nào tỏ ra xả kỷ, vững vàng, kín miệng mới được phép đạt tới các việc này. Có mấy ai hội đủ điều kiện như vậy ?
Khi trình bầy tổng quát về những hiểm họa do việc phát triển quá sớm những quyền năng nhờ tham thiền mà có, ta không có ý làm nản lòng người học thiền mà chỉ để làm rõ sự đòi hỏi phải có một thể xác trong sạch, sự vững chãi về mặt tình cảm và thăng bằng trí tuệ trước khi được nhận hiểu biết lớn lao hơn. Chỉ khi nào trực giác khai mở và thú tính mất ảnh hưởng, con người mới tiến hành việc luyện tập một cách khôn ngoan. Chỉ khi nào tâm mở rộng cùng chịu đau khổ với muôn loài, yêu thương tất cả mọi vật ta gặp gỡ, hiểu biết và cảm thông với sinh vật đáng xa lánh nhất, chừng đó mới nên đi xa hơn. Chỉ khi nào sự phát triển được quân bằng, cái trí không đi quá mau so với cái tâm, tư tưởng không quá mạnh làm ngăn trở tâm linh, con người mới được giao phó quyền năng mà nếu sử dụng lầm, có thể gây đại họa cho môi trường xung quanh người đó. Chỉ khi nào họ không có ước muốn nào ngoài việc tìm hiểu Thiên cơ và một lòng trợ giúp nó biểu lộ, họ mới được truyền các mệnh lệnh sai khiến tinh linh thấp. Hiểm họa lớn lao và tai nạn gớm ghê đang chực hờ người thiếu cẩn trọng, nên phải có lời cảnh cáo trước khi vào bài.
Có một số nguy hiểm do nhiều nguyên nhân mà người tập thiền cần rõ để tránh. Chúng được phân loại chính xác như sau:
– Nguy hiểm nằm trong cá tính người học thiền, gồm ba nhóm chính thuộc về xác thân, tình cảm và trí tuệ.
– Nguy hiểm do nhân quả người tập, và do môi trường, cũng có thể chia làm ba.
●  Nhân quả hiện tại trong vòng ảnh hưởng người ấy
●  Dân tộc tính.
●  Nhóm mà anh thuộc về, hoặc bí truyền hoặc công truyền.
– Nguy hiểm từ những lực vô hình nhằm cản trở sự phát triển tâm linh. Ta gọi đó là điều ác nhưng bởi chính Thái Dương Thượng Đế cũng đang tiến hóa, sự bất toàn của hệ thống cũng là sự bất toàn của ngài đang được thăng hoa.
Những nguy hiểm mà người học thiền gặp phải thường tùy vào nhiều yếu tố, và ta chỉ có thể nói vắn tắt về vài điều kiện đáng ngại, cảnh cáo chuyện kinh khủng có thể xẩy ra, lưu ý họ về hậu quả mà sự căng thẳng quá mức, nhất tâm một lòng có thể mang lại, dẫn đến sự phát triển thiếu cân bằng. Nhất tâm là đức tính, nhưng phải là nhất tâm về mục đích và mục tiêu mà không phải là khăng khăng theo một đường, gạt bỏ hết mọi đường khác.
Hiểm họa của tham thiền phần lớn do đức tính mà ra, vì vậy mới khó tránh. Thường khi chúng phát sinh do một cái trí bén nhậy vượt quá xa những thể kia, nhất là thể xác.
Ước nguyện, định tâm và nhất quyết đểu là tính tốt, nhưng nếu dùng không phân biệt, không kể tới thời điểm tiến hóa có thể làm hư hại thân xác, trì hoãn mọi việc trong kiếp đó. Nói như thế chắc đủ cho người học thiền nhìn rõ là tuyệt đối phải có ý thức về những đức tính căn bản, biết ước lượng vấn đề mà sinh ra cẩn trọng và tìm phương pháp cần thiết cho nhu cầu trước mặt. Với ai dốc lòng muốn tập khoa tham thiền bí truyền, các điều kiện có thể được tóm tắt là:
● Biết rõ chính mình                                                                                           ●  Tập đều đặn
●  Tiến hành chậm rãi và cẩn trọng                                            ●  Tìm hiểu ảnh hưởng
●  Vun trồng nhận thức là cái gì trường cửu thì dài (!) và việc chi được tạo dựng chậm chạp sẽ tồn tại mãi mãi.
●  Tâm niệm luôn luôn rằng kết quả tâm linh đích thực, phải lộ rõ qua việc phụng sự của đời sống mặt ngoài.
●  Cũng nên nhớ rằng các hiện tượng siêu hình không hề là dấu hiệu tham thiền thành công. Thế giới sẽ nhìn ra kết quả và phán xét công minh hơn chính người học thiền. Trên hết thẩy, Chân Sư sẽ biết vì ngài thấy kết quả ở cõi thượng trí trước khi con người ý thức có sự tiến bộ.

B. Nguy Hiểm Sinh Ra do Cá Tính
Đây là các hiểm họa liên hệ chặt chẽ nhất với đời sống riêng của một người, và tùy thuộc vào ba thể của họ hoặc riêng rẽ hoặc kết hợp. Để tài rộng lớn quá khiến ta không làm gì hơn được ngoài việc vạch ra điều kiện và hậu quả tương ứng; mỗi cá nhân cho ra một vấn đề khác nhau, mỗi thể gây phản ứng riêng biệt, và mỗi cá tính, ba thể bị chi phối bởi sự liên hợp hay là thiếu liên hợp giữa chúng với nhau. Chúng ta hãy xét từng thể một rồi sau đó nhìn toàn khối, làm như thế vài dữ kiện đặc biệt sẽ được nêu ra.

I. Thể Trí
Ta bắt đầu với thể trí vì với người học thiền đây là trọng tâm của mọi nỗ lực, và nó là thể kiểm soát hai thể thấp. Thiền sinh thành tâm sẽ hướng tâm thức khỏi thân xác, tình cảm để trụ nó vào cõi tư tưởng hay vào hạ trí. Khi được vậy rồi, anh sẽ tìm cách vượt lên trên hạ trí, hướng về thể Chân thân bằng việc dùng cầu antahkarana, đường liên lạc giữa hạ trí và thượng trí, não bộ lúc đó thuần thục tiếp nhận cái được Chân nhân truyền xuống. Công việc ấy phải đi từ ngoài vào trong và do vậy hướng tâm, trụ vào một trong ba huyệt chính trên đầu (cung Chân nhân sẽ quyết định huyệt nào) với huyệt đan điền và tim lắng dịu. Bạn thấy là cái trí là điểm tâm thức tập trung nên sự nguy hiểm xẩy cho thể trí là điều rất thật phải được canh phòng. Hai mối họa nặng nề được tả dưới đây.
●  Đầu tiên là nguy hại do việc chặn đứng tư tưởng. Do sức mạnh ý chí, khi tham thiền  người ta có thể tới một điểm là ngăn chặn hẳn sinh hoạt của tư tưởng. Ta có thể mường tượng việc này bằng cách phác họa thể tình cảm như bầu hình trứng với thể xác nằm gọn bên trong, hình tư tưởng thuộc đủ mọi loại vừa của ta vừa của ngoại cảnh không ngừng chuyển động ra vào thể, khiến cho thể trí có đủ mầu sắc cùng những hình kỷ hà trôi nổi tới lui. Khi một ai tìm cách định trí bằng sự chận đứng hay ngăn mọi di động, họ làm ngưng việc luân lưu trên và có thể sinh hậu quả nghiêm trọng. Sự ngăn cản ấy cho một ảnh hưởng thẳng vào não bộ, và đó là lý do nhiều người than nhức đầu sau khi tham thiền một khoảng thời gian, và đại họa xẩy ra nếu tiếp tục phương pháp này. Ai mới tập thiền cũng qua giai đoạn trên không ít thì nhiều, bao lâu họ chưa tìm cách sửa chữa thì vẫn dậm chân tại chỗ và trì hoãn sự phát triển, hay gặp chuyện đáng ngại hơn.
Thế phương pháp đúng đắn cho việc loại trừ tư tưởng là gì ? Làm sao để có cái trí tĩnh lặng mà không cần dùng ý chí để cấm triệt ? Dưới đây là vài gợi ý hữu dụng:
– Khi đã rút tâm thức vào cõi trí trụ ở bên trong não bộ, người học thiền nhẹ nhàng xướng Thánh Ngữ ba lần. Hãy tưởng tượng hơi thở phát ra như luồng lực khai thông dọn sạch, quét đi những hình tư tưởng trôi nổi trong thể tình cảm hình trứng, lúc nó đi lên trên. Sau ba lần hãy thấy là thể trí được trống vắng, không còn hình tư tưởng nào.
–  Kế đó, nâng làn rung động lên cao đến hết mức, không nhắm tới thể trí nữa mà nhắm tới thể Chân thân, tức đặt ba thể dưới ảnh hưởng trực tiếp của Chân nhân. Bao lâu người bạn giữ được tâm thức trên cao và cùng một làn rung động với Chân nhân ở cõi của nó, thể trí sẽ nằm trong trạng thái quân bình, nó không còn làn rung động thấp tương hợp với các hình tư tưởng trôi nổi chung quanh. Lực của Chân nhân sẽ luân lưu cùng khắp thể trí hình trứng, không cho bất cứ hình tư tưởng  nào bên ngoài đi vào (vì khác tần số rung động), sự chặn đứng không có nên nguy hại không sinh ra. Mà còn hơn thế nữa, theo với sự tập thiền chất liệu cõi trí trở nên hợp với mức rung động cao nên sau một thời gian, làn rung động trở nên thói quen và sẽ tự động thải ra những gì thấp hơn, bất hảo.

●  Thứ hai là nguy hiểm do không sử dụng các thể. Có người hướng tâm quá mức vào cõi trí tới nỗi có thể mất liên lạc với hai thể kia. Con người có thể xác và thể tình cảm là để tiếp xúc, học hỏi ở cõi thấp, gặt hái kinh nghiệm hầu làm nẩy nở căn thể (thể chân thân, causal body). Như vậy bạn thấy là khi tâm thức ở mãi trên cõi trí mà không xuống thấp hơn, bỏ bê tình cảm và đời sống ở cõi trần, sẽ có hai chuyện xẩy ra: hai thể thấp bị bỏ quên, trở nên vô dụng không đạt tới mục tiêu của chúng, mất dần sức sống và rồi chết dần mòn theo quan điểm của Chân nhân, trong khi đó căn thể không được xây dựng như ý muốn và như vậy lãng phí thì giờ. Thể trí cũng trở nên vô dụng, thành cụng cụ cho cái tâm ích kỷ, có giá trị ít oi và không hữu ích gì cho đời. Đó là người chuyên nghiệp mơ mộng những giấc mơ không bao giờ thành, người tạo tác thu góp rất nhiều vật liệu mà chẳng hề dùng, người thấy trước nhiều viễn ảnh chẳng có lợi gì cho ai, là chướng ngại làm trục trặc sự sống. Nguy cơ của việc các thể bị suy thoái đang rình rập họ.
Tham thiền đúng cách sẽ làm cho Chân nhân kiểm soát ba thể trọn vẹn hơn, dẫn tới sự điều hợp và liên hợp, kiện toàn và nẩy nở cân xứng, làm con người hữu ích hơn cho các đấng cao cả. Khi ta để ý rằng mình có thể đã chú tâm quá nhiều vào cõi trí, ta phải nhắm ngay vào việc biến tư tưởng, ước vọng, nỗ lực trí tuệ thành sự kiện ở cõi trần; dùng trí năng làm chủ hai thể thấp và sử dụng chúng để thực hiện các điều trên.
Đây là hai nguy hiểm thường gặp nhất, và lời nhắn nhủ cho ai học khoa huyền bí là cả ba thể đều quan trọng như nhau để hoàn thành công chuyện, theo cái nhìn của Chân nhân lẫn quan điểm của việc phụng sự con người. Vì vậy nên nhắm tới sự điều hòa khôn ngoan trong lối sống, cho phép Thượng Đế nội tâm biểu lộ giúp đời.

II. Thể Tình Cảm
Vào thời điểm này, tình cảm là cái mạnh nhất trong phàm nhân vì nhiều lý do.
– Nó là đơn vị toàn phần so với xác thân và trí tuệ (vì những thể xác, sinh lực, hạ trí và thượng trí chỉ gồm vật liệu của ba hay bốn cảnh của cõi trần hay cõi trí, trong khi thể tình cảm gồm đủ cả bẩy cảnh của cõi tình cảm).
– Nó là điểm trụ tâm thức (polarisation) cho đa số người.
– Nó là thể khó làm chủ nhất, và là thể cuối cùng chịu qui phục hoàn toàn.
Lý do là làn rung động của dục vọng đã chế ngự loài người lẫn thảo mộc, thú cầm tuy ở mức nhẹ hơn, thế nên con người bên trong đang tiến hóa phải đi ngược với khuynh hướng nằm từ lâu trong ba loài. Con người muốn vượt lên bậc cao hơn phải loại bỏ rung động ấy và chuyển hóa khuynh hướng ích kỷ thành ước vọng tinh thần. Về mặt thực tế thể tình cảm họp làm một với thể xác, vì người trung bình hành xử hầu như do sự xúi giục của tình cảm và thể xác tự động vâng theo đòi hỏi ấy.
Đó cũng là thể nối trực tiếp với cõi trực giác (bồ đề) và con người có thể đạt đạo nhờ con đường này. Khi tham thiền nên dùng trí năng làm chủ tình cảm, và khi cái trí định nhờ ý chí và sự nhất tâm, tình cảm hóa bình lặng, sẵn sàng tiếp nhận, Nhưng thái độ tiêu cực ấy nếu đi quá xa sẽ mở cửa rước tai họa vào, ta không nên sinh ra tình trạng tiêu cực trong bất cứ thể nào, mà chính sự tiêu cực ấy lại là điều người mới tập thiền gặp nhiều nhất, đâm đầu vào tai họa.
Mục đích của ta vì vậy là biến thể tình cảm hình trứng hóa chủ động, so với mọi điều thấp hơn nó và ở môi trường chung quanh, và chỉ ở trạng thái tiếp nhận so với tinh thần qua căn thể. Cách duy nhất thực hiện điều này là tập khả năng kiểm soát có ý thức, trông chừng ngay cả khi đạt làn rung động cao nhất và canh giữ các thể thấp luôn luôn; đó là ý nghĩa bên trong của câu ‘Tỉnh thức và Cầu nguyện’ trong thánh kinh mà ít khi được giảng rõ. Những điều cần được trông chừng là:
–  Tính cách của thể tình cảm và hai điều kiện chủ động có tiêu cực.
–  Sự liên hợp với thể trí và với những thể cao. Rất thường khi sự liên hợp bất toàn, làm việc tiếp nhận ý tưởng từ cõi trên không chính xác, biến đổi chân lý mà Chân nhân truyền xuống cùng gây ra nguy hiểm lớn lao, khi lực tuôn vào những huyệt không cần khơi động lúc này. Thiếu liên hợp là nguyên nhân của những lỗi lầm tình dục, gặp nơi người có vẻ thiên về chuyện tinh thần. Họ có thể có đôi chút trực giác, Chân nhân có thể truyền phần nào năng lực xuống dưới, nhưng bởi liên hợp không thông suốt, lực từ cõi cao hướng sai đường và kích thích lầm huyệt, xẩy ra đại họa.
– Nguy hiểm khác là bị chiếm nhập - possession.
Để được che chở, nguyên tắc căn bản là có tư tưởng trong sạch, mục tiêu thanh cao, và lối sống huynh đệ không vị kỷ. Nếu thêm vào những điều này là hiểu biết đúng đắn về thiền và áp dụng sáng suốt các luật huyền bí về cung và nhân quả, nguy hiểm có thể tránh được.

III. Thể Xác
Nguy hiểm cho thể xác gặp ở ba nơi: não bộ, hệ thần kinh và cơ quan tình dục. Tới đây có lẽ cần phải nói là tại sao ta bàn về họa ở thể trí và tình cảm trước, làm vậy bởi nhiều họa ở thể xác bắt nguồn ở cõi cao, và chỉ là hình thức bên ngoài của những gì sai lạc bên trong.
Mỗi chúng ta sinh ra với thể xác và sinh lực có tính chất rõ rệt. Tính chất này là sản phẩm của kiếp trước, và hai thể kiếp này giống hệt mọi mặt hai thể kiếp trước vào lúc qua đời. Công việc của mỗi người là nhận chúng, ý thức những khuyết điểm và nhu cầu kiện toàn rồi chăm chú bắt tay vào việc, tạo nên một thể mới thích hợp hơn với đòi hỏi của con người bên trong. Đó là công trình vĩ đại cần thời gian, kỷ luật nghiêm nhặt, óc phán đoán và cách mạng bản thân.
Phần trên của bài ta có nhắc việc ‘đùa với lửa’, và nó là sự thật hiểu theo nghĩa đen, chỉ một sự kiện xẩy ra mà không là cách nói bóng bẩy tượng hình. Vì lửa là bản chất mọi vật, Chân thần là điểm linh quang, Chân nhân là lửa, trí tuệ là lửa và tiềm ẩn trong thể xác, là một nguồn lửa đúng hiệu, có thể thành một lực tàn phá đốt cháy cơ thể và khơi động các huyệt bất hảo, hay thành tác nhân trợ lực, khích động, khêu dậy. Khi được hướng dẫn theo đường đã chuẩn bị, ngọn lửa này tinh luyện và nối liền phàm nhân với Chân nhân.
Khi tham thiền, con người tìm cách tiếp xúc với ngọn lửa thiêng là Chân nhân và lửa ở cõi trí. Nếu quá gắng sức hay tập thiền một cách hung hãn, lửa cõi trí có thể khơi dậy ngọn lửa tiềm ẩn ở cuối xương sống (kundalini hay luồng hỏa xà), trước khi sự liên hợp giữa thể cao và thể thấp được hoàn tất, khiến luồng hỏa xà bốc lên sớm. Nó sẽ vọc phá, hủy diệt thay vì giúp sinh động và kích thích những huyệt cao. Trong lúc đi lên ngọn lửa này phải chạy vòng theo một thứ tự, tùy theo cung của một người và mức rung động chính của những huyệt cao. Nó chỉ nên được khơi dậy với sự chỉ dẫn trực tiếp của Chân Sư, và người học thiền sáng suốt hướng dẫn nó đi, theo sát lời khẩu truyền riêng biệt cho anh từ vị thầy.
Ta sẽ trình bầy khía cạnh tai hại nhất của ba nguy hiểm nơi thể xác, và không kể đến những rủi ro hay xáo trộn khác có thể xẩy đến cho ai không cẩn thận.

1. Nguy hiểm cho não bộ.
Thông thường là hai chứng sau:
–  Ứ máu, do máu đọng lại trong các mạch máu, làm căng thẳng mô thần kinh vốn mỏnh manh sẵn; nó có thể gây thương tật vĩnh viễn, hay điên loạn. Giai đoạn đầu con người thấy mệt mỏi, mất cảm giác và nếu vẫn tiếp tục thiền dù đã bị các triệu chứng này, hậu quả sẽ nghiêm trọng. luôn luôn người học thiền phải ngưng ngay việc thiền khi cảm thấy mệt mỏi, hay khi có dấu hiệu bất an, những nguy hiểm này đều có thể tránh được nếu cẩn trọng một chút, hay ghi nhớ rằng sự huấn luyện các thể bao giờ cũng từ từ, và việc sửa đổi cơ cấu thể xẩy ra thật chậm. Kế hoạch của những đấng cao cả không hề thúc bách.
– Cuồng mê, gặp nơi người nồng nhiệt, vẫn xông tới gây áp lực sai lầm hay tìm các khơi dậy luồng lửa mà không canh phòng, bằng cách luyện hơi thở hay những phép khác. Họ trả giá cho sự xông xáo vội vã là mất lý tri khi ngọn lửa bốc lên không theo đúng thứ tự, không di theo tam gíác lực, nó uốn vòng lên càng lúc càng mau càng nóng, đốt cháy một phần hay tất cả mô thần kinh, gây điên cuồng hay cả cái chết.

 

2. Nguy Hiểm cho Hệ Thần Kinh
Xẩy ra thường hơn là cho não bộ. Gần như ai tập thiền cũng ghi nhận ảnh hưởng trên hệ thần kinh, hoặc mất ngủ, sôi nổi, mất sinh lực, hoặc bị khích động làm cho không thể nghỉ ngơi, tâm tính hóa bẳn gắt từ khi học thiền, hoặc ngón tay ngón chân giật nhẹ, hoặc những chứng riêng mỗi người tùy khí chất cho thấy bị căng thẳng. Chúng có thể nặng hay nhẹ nhưng cần nói ngay là ta có thể tránh được hết các chứng này bằng cách suy nghĩ hợp lý, tìm hiểu bản thân cùng không áp dụng mù quáng những cách tập, mà không chịu đặt câu hỏi về lý do làm vậy. Nếu người học khoa huyền bí sống khôn ngoan hơn, để ý chuyện ăn uống một chút, lo kỹ việc ngủ nghê đúng nhu cầu và làm việc cẩn trọng từ tốn thay vì hốp tốp tùy hứng (bất kể hứng khởi cao đẹp thế nào), kết quả sẽ lớn lao hơn và thế giới có thêm người phụng sự hữu dụng để giúp đời.
Việc đề cập những rối loạn này chỉ nhằm đưa ra dẫn dụ tổng quát, cảnh cáo và cho biết rằng mai sau, khi các bậc huấn sư minh triết xuất hiện dưới trần, mở trường cho công chúng, tham thiền sẽ được sử dụng để chữa các bệnh về não bộ và thần kinh, phương pháp biến cải tùy trường hợp. Tham thiền đúng cách sẽ nhằm kích thích những huyệt còn lặng lẽ, dẫn ngọn lửa vào đường vòng thích hợp, tuôn rải nhiệt theo một cách thuận lợi, tạo nên mô cho cơ thể và chữa lành bệnh. Ngày giờ chưa tới để thực hiện các việc này, nhưng ngày ấy cũng không xa.

3. Nguy Hiểm cho Cơ quan Sinh dục
Những bộ phận này có thể bị kích thích quá độ và cái cần ghi nhận là hiểm họa này rất thật. Lý do là khi bốc lên, luồng hỏa xà sẽ theo đường nào ít trở ngại nhất, và do hướng trụ tâm thức polarisation hiện nay của nhân loại, đường ấy kích thích các cơ quan này. Người học thiền vì vậy phải làm hai chuyện:
–  Rút tâm thức khỏi huyệt ở đó, việc này không dễ làm vì nó đi ngược với kết quả do sự phát triển qua bao nhiêu kiếp.
– Hướng động lực sáng tạo lên cõi trí. Nếu làm được vậy họ sẽ đem hoạt động của ngọn lửa vào huyệt cổ họng rồi huyệt ở đầu thay vì hướng nó vào cơ quan truyền giống bên dưới. Đó là lý do tại sao người đời - kể ai tiến hóa đã xa - không nên tập thiền vào tuổi thanh niên sung sức; và đó cũng là minh triết của tục lệ Ấn ngày xưa: từ 21 - 42 tuổi con người lo gầy dựng gia đình, chỉ sau khi làm tròn nhiệm vụ này họ mới sống đời tu tập. Luật này áp dụng cho người trung bình còn với ai đã tiến hóa, họ không theo sát mà mỗi người phải tự giải quyết vấn đề riêng của mình.

C Nguy Hiểm do Nhân Quả của Thiền Sinh
Chúng được chia làm ba nhóm chính.

1. Nguy Hiểm do Nhân Quả của Hiện Kiếp
Khi nói về nhân quả của hiện kiếp, người ta có thể hiểu là những gì xẩy ra lúc này hay trong tương lai mà không tránh được. Hiểu như vậy cũng đúng nhưng đó chỉ là một khía cạnh của vấn đề, muốn hiểu rõ hơn ta hãy nhìn sự việc ở mức độ rộng lớn trước khi đi vào cái nhỏ.
Khi Thượng Đế tạo lập thái dương hệ, ngài mang vật liệu đủ cho kế hoạch và thích hợp với mục tiêu vào một khoảng không gian. Thái dương hệ không được sinh ra nhằm thực hiện mọi mục tiêu, mà ngài chỉ có một mục tiêu đặc biệt nào đó, cần một  làn rung động riêng và một chất liệu với đặc tính riêng. Khoảng không gian cho ngài biểu lộ gọi là vòng bất quá ring-pass-not, chứa tất cả những gì tiến hóa trong thái dương hệ; trong khoảng đó vạn vật rung động theo một nốt rõ ràng, thuận với một số luật nhằm đạt tới đích mà chỉ Thượng Đế mới biết tường tận. Vạn vật bị chi phối bởi luật và nhân quả có nguyên do ở thái dương hệ vừa qua, hiện tồn trước khi thái dương hệ này thành hình, tức cái trước nối kết với cái sau bằng liên hệ nhân quả, và chúng ta không  phải là hiện tượng riêng rẽ mà là thành phần của một đại thể lớn hơn bị các luận quản trị, đang sinh hoạt để tiến tới một mục tiêu rõ ràng.
Với con người cũng vậy, Chân nhân ở cõi của nó lập lại công việc của Thượng Đế ở mức độ nhỏ hơn. Nó thu góp vật liệu, tạo nên thể nhằm làm một số điều; chất liệu ấy rung động theo một nhịp nào đó, bị quản chế bởi các luật và hướng tới một đích riêng mà không phải nhiều mục đích. Mỗi kiếp và phàm nhân kiếp đó đối với Chân nhân y như một thái dương hệ với Thượng Đế, nó là môi trường biểu lộ, là phương thức để đạt mục tiêu. Mục tiêu có thể là học đức tính bằng cách trả giá của tật xấu, hay thu gặt cái khôn ngoan buôn bán qua việc tranh sống ở trường đời, tóm tắt là mỗi linh hồn có mục tiêu riêng trong một kiếp, và chuyện cần ghi là hiểm họa sinh ra từ chính điểm này. Lây thí dụ, do việc phát triển khả năng trí tuệ để  học thiền, con người quên lãng chuyện phải làm ở kiếp này và như vậy kết quả không được coi như một thắng lợi, mà là sự nẩy nở không cân xứng, uống phí thì giờ hiện tại.
Nói cho rõ, thử nhìn Chân nhân tạo ba thể vạch vòng bất quá với mục tiêu là nhận biết căn bản của sự sống. Đối tượng kiếp này là phát triển trí tuệ, học khoa học và chuyện cụ thể, mở rộng cái trí chuẩn bị cho công việc tương lai. Có thể người bạn thiên hơi nhiều về mặt tâm, sùng mộ thái quá, hay trong nhiều kiếp qua sinh hoạt chính của họ là mơ mộng, thấy lắm viễn ảnh thần bí. Nhu cầu số một  của họ vì vậy là tập thực tế, sành sỏi chuyện đời, học nhiều việc và áp dụng kiến thức vào cõi trần. Mặc dù vòng bất quá (hay môi trường sinh hoạt của họ) xem ra thu hẹp và hạn chế khuynh hướng riêng, cũng như sự việc xếp đặt ép người bạn phải học bài học thực tế trong cuộc đời, họ vẫn không học và đi theo con đường ít trở ngại nhất là lập lại thói quen cũ. Anh tiếp tục mơ mộng xa với, hững hờ với thế sự, không theo ý muốn của Chân nhân và bỏ lỡ cơ hội. Kết quả là anh đau khổ nhiều, và kiếp tới cần hoàn cảnh tương tự, sự thúc đẩy mạnh mẽ hơn và vòng bất quá giới hạn hơn nữa, cho tới khi anh thuận với ý muốn của Chân nhân.
Với người như thế, tham thiền không giúp ích mà chỉ gây trở ngại thêm, bởi như đã nói lúc đầu, việc tập thiền một cách sáng suốt là cho ai đã tới mức tiến hóa khả quan, và đang ở chặng chót con đường Học Hỏi sắp bước qua đường Minh Triết. Bạn cần nhớ là chúng ta đang bàn về tham thiền huyền bí có khoa học, mà không phải là tham thiền thần bí.
Thực tế mà nói, họa gây ra ở đây là bỏ phí ngày giờ, củng cố một làn rung động không hợp với những rung động khác, kiện toàn không đồng đều, tăng trưởng lệch một bên và phải được sửa chữa trong những kiếp sau.

II.  Nguy Hiểm do Dân Tộc tính và loại Cơ Thể
Ở dây ta không nói đến tai họa sinh ra co cơ thể có bệnh sẵn, chỉ cần ghi luật tổng quát là nếu có bệnh rõ rệt, hoặc bẩm sinh hoặc thần kinh yếu thuộc bất cứ loại nào, người bạn không nên tập thiền vì nó có thể làm chuyện trầm trọng hơn. Trong tương lai khi tập thiền, hai yếu tố sẽ được cân nhắc và xem xét kỹ trước khi một người được truyền thụ bài tập:
– Các đặc tính giống dân của anh
– Loại cơ thể, tây phương hay Á đông,
để nhờ vậy tránh được một số tai họa, và giảm bớt những rối loạn gặp trong một nhóm huyền bí học, tuy ở mức độ khác nhau.
Thường thường mỗi sắc dân có một đặc tính nổi bật về tình cảm, người Ý đa tình nóng bỏng, người Pháp lãng mạn, người Anh thực tế phớt tỉnh Ăng lê; những khí chất riêng biệt này có tai ương đi kèm và khi thiếu khôn ngoan theo đuổi phép thiền không hợp, đức tính có thể được nhấn mạnh tới mức thành tật xấu, khuyết điểm tình cảm có thể bị củng cố hóa ra đáng ngại, tiếp theo là việc mất thăng bằng thay vì đại sự quân bình và làm viên mãn căn thể, vốn là một mục tiêu của thiền. Cho nên khi bậc huấn sư minh triết mở lớp dạy thiền cho công chúng, ngài phải lượng xét những khác biệt của các sắc dân hầu sửa chữa khuyết điểm tiềm ẩn, và không làm chúng lớn mạnh thêm.
Cách thiền ngày nay so với hồi châu Atlantis khác xa nhau về mặt căn bản. Ở mẫu chủng thứ tư có nỗ lực đi thẳng từ cõi trung giới sang cõi bồ đề, gạt hẳn cõi trí qua bên không đụng tới. Cách ấy theo đường tình cảm và cho ra ảnh hưởng rõ rệt trên thể tình cảm, nó bắt đầu ở cõi tình cảm đi lên, thay vì bắt đầu từ cõi trí như hiện nay. Với mẫu chủng thứ năm, nỗ lực nhằm nối cái trên với cái dưới, trụ tâm thức vào hạ trí rồi sau đó vào thượng trí, bắt lấy nguồn cảm hứng từ cõi cao cho tới khi ý tuôn liên tục. Đa số thiền sinh khác lúc này thỉnh thoảng có giây phút trí huệ bừng sáng, về sau sự việc mới liên tục dần.
Cả hai phương pháp có tai họa riêng của chúng. Hồi châu Atlantis tham thiền có khuynh hướng kích thích quá độ tình cảm nên con người có thể đạt tới đỉnh cao, mà cũng có thể rơi xuống hố sâu. Huyền thuật về tính dục tràn lan không thể tin được, huyệt đan điền bị khích động thái quá, các tam giác lực không được xếp đúng cách và luồng hỏa xà quay vào các huyệt thấp, gây ra hiểm họa đáng ghê.
Sự nguy hại lúc này khác hẳn. Ích kỷ, kiêu căng, mù quáng quên đi thiên tính là những họa đi kèm việc mở mang cái trí, và phương pháp hiện giờ là nhằm đảo ngược lại chúng. Nếu ngày xưa ở châu Atlantis người theo tả đạo có được quyền năng đáng sợ thì ngày nay họ lại càng nguy hiểm thêm. Tầm kiểm soát của họ lan rộng nhiều hơn. Vì vậy phụng sự mới được nhấn mạnh, và cái trí vững vàng là chuyện cần yếu cho ai muốn tiến xa, thành một nhân viên của chánh đạo.
Điểm kế sắp nói có tầm quan trọng rất thật cho ai nhiệt tâm học hỏi lúc này. Trong nhân loại, đông phương chiếm vị trí của quả tim như trong cơ thể, nó là nguồn sáng, sự sống, nhiệt, và sinh lực. Tây phương là não bộ hay hoạt động trí tuệ, là yếu tố hướng dẫn, tổ chức, thu thập dữ kiện. Bởi người đông phương sử dụng huyệt tim nhiều hơn huyệt đầu, họ tiến bước bằng cách gắng sức trụ tâm thức vào đầu khi thiền; đó là huyệt mà người bạn phải làm chủ, và tiến hành với việc dùng chú ngữ - mantra một cách khôn ngoan, ở ẩn, nhập thất, cẩn thận theo đúng phép luyện tập nhiều ngày, mỗi ngày nhiều giờ.
Người tây phương dùng huyệt đầu nhiều hơn huyệt tim, nên chuyện trước tiên phải làm là rút tâm thức vào tim theo phương pháp tập thể mà không dùng chú ngữ cá nhân. Họ không cần xa lánh đời mà phải tìm ra tâm mình ngay giữa sự quay cuồng náo nhiệt của đô thị, và trong hoạt động thương mãi bán buôn. Người bạn dùng đường lối chung để tới mục đích riêng, và hành động phụng sự là dấu hiệu huyệt tim đã khởi dậy. Thành ra tham thiền ở đây nghiêng về tâm và giúp đời.
Hẳn bạn thấy sự tiến hành về mặt bí truyền đi theo cách thức khác nhau - bắt buộc phải vậy - cho đông và tây nhưng mục tiêu là một. Điều cần nhớ là một cách thiền có thể giúp người đông phương phát triển lại có thể gây nguy hiểm, tai ương cho người phương tây, và chuyện ngược lại cũng có. Nhưng mục tiêu luôn luôn y hệt. Cách tập có thể là cá nhân hay tập thể, một người đọc chú ngữ hay cả nhóm cùng đọc, các huyệt khác nhau được tập luyện, dầu vậy kết quả giống hệt nhau. Hiểm họa xẩy ra khi người tây phương gắng theo sát luật dành cho người đông phương như đã nói, dưới sự hướng dẫn của những đấng cao cả chuyện ấy có thể được loại trừ.

III. Nguy Hiểm do Nhóm của Con Người
Ta chỉ bàn về đại cương và tự người đọc phải tìm hiểu, suy xét lấy. Mọi huấn luyện huyền bí đều theo cách đó để khi nguyên cứu kỹ trong tim, họ sẽ đạt kết quả có giá trị đích thực và là của chính hỏ. Cái mà ta nắm được do khổ công tìm tòi sẽ thuộc về ta mãi mãi, không hề bị lãng quên như tư tưởng đọc trong sách hay lời của danh sư nhất hạng.
Một điều mà người bước vào đường Đạo khởi sự tập thiền ít nắm vững, là mục tiêu chính của anh không phải là làm viên mãn sự phát triển riêng, mà là trang bị cho anh giúp đời. Sự phát triển và tăng trưởng cá nhân sẽ xẩy ra nhưng không phải là mục tiêu. Hoàn cảnh chung quanh và thân hữu gần gũi ở cõi trần là đối tượng phụng sự, nếu trong lúc gắng công luyện tập để có khả năng và đức tính mà anh tỏ ra sơ sót với nhóm của mình, chểnh mảng việc phụng sự khôn ngoan hay tận tụy với nhóm, anh có thể mắc phải lòng kiêu hãnh, có định kiến và biết đâu lại đặt bước chân đầu tiên vào tả đạo.

1. Các Loại Nhóm 
Ta sẽ nói qua về các nhóm ở những cõi khác nhau mà con người hoạt động. Số nhóm đông và rất dị biệt, chúng thay đổi và khác nhau vào những thời điểm riêng rẽ trong đời người, khi do nhân quả mà con người thuộc vào nhóm này hay kia. Cũng nên nhớ rằng khi một ai gia tăng khả năng phụng sự, cùng lúc ấy họ tăng số lượng nhóm mà họ có liên hệ và cả kích thước cho tới một kiếp về sau, trọn thế giới là môi trường hoạt động và nhân loại là đối tượng phục vụ của họ. Họ phải trải qua ba cách làm việc trước khi được chuyển hướng sang con đường khác: làm việc trên hành tình, trong thái dương hệ hay ra vũ trụ.
– Đầu tiên họ phụng sự bằng hoạt động, dùng trí huệ và những khả năng cao của trí cộng với tài ba của mình để giúp người. Khả năng trí huệ chậm rãi thành tựu và hiến dâng cho đời không còn chút kiêu ngạo.
– Rồi họ phụng sự bằng tình thương, trở nên đấng cứu thế ban rải cho mọi người tình yêu và chính sự sống của họ, do vậy hy sinh tột mức thân mình để cho kẻ khác được sống.
– Kế đó phụng sự bằng quyền lực. Do thử thách họ đã chứng tỏ là chỉ hướng về điều lành cho mọi kẻ xung quanh, áp dụng tình thương một cách khôn ngoan, tích cực, nên người bạn được giao phó uy quyền. Anh làm việc theo luật trời, sử dụng ý chí khiến cho luật được thi hành trong ba cõi.
Trong cả ba ngành phụng sự này, bạn để ý là khả năng làm việc với nhiều nhóm quan trọng dường nào. Nhóm thay đổi theo cõi như sau.

2. Cõi Trần
Gồm các nhóm:
– Gia tộc: con người liên hệ vì hai lý do, một là để cân bằng nhân quả và trả nợ, hai là để lấy một thể xác thuộc loại Chân nhân cần hầu biểu lộ đầy đủ.
– Thân hữu: những ai chia sẻ cùng môi trường với anh như bạn làm ăn, tín hữu ở chùa, nhà thờ, người quen biết, người chỉ có mối giao tình ngắn ngủi. Liên hệ với nhóm này cũng có hai phần: nhân quả và ảnh hưởng tốt lành anh có thể tác động lên người chung quanh, ý thức trách nhiệm và hướng dẫn hay trợ lực.
– Nhóm phụng sự của anh thuộc một đấng cao cả, được tụ hội để làm việc huyền bí tinh thần. Người sơ cơ được cho cơ hội trong các nhóm tôn giáo, khác hơn nữa thì có hoạt động xã hội hay chính trị, hoặc các phong trào tiền phong mà Hội Theosophia là một.
Mỗi người thuộc ba nhóm này, họ có bổn phận với chúng và phải làm trọn phần mính. Trong bối cảnh đó tham thiền có thể gây ra hiểm họa gì ? Rất giản dị: bao lâu karma còn giữ anh trong nhóm, mục tiêu của anh là đóng vai trò của mình thật toàn vẹn để kết thúc tốt đẹp nhân quả, và tiến dần đến sự giải thoát sau cùng; ngoài ra anh còn phải nâng cao nhóm và mình lên mức độ hữu ích hơn. Như vậy nếu do tham thiền không đúng loại mà người bạn chểnh mảng trách vụ đúng lý của mình, anh đã trì hoãn việc thực hiện mục tiêu ở kiếp này, và trong một kiếp tương lai sẽ phải hoàn bị nó. (Dựa vào ý trên, điều quan trọng mà ít được chú ý đúng mức là trong cuộc hôn nhân, người chồng hay vợ có quyền rất chính đáng về tình cảm và thân xác, trí tuệ đối với người kia, sơ sót chúng vì lý do ‘học chuyện tinh thần’ cần được xét lại.)
Nếu người bạn thêm vào nhóm ấy đặc tính gì không đúng chỗ, anh hóa ra không trợ lực mà ngăn trở và do đó sinh nguy hại. Để rõ nghĩa hơn ta hãy xem thí dụ này: người bạn thuộc một nhóm quá thiên về mặt sùng tín, anh người đặt vào nhóm với ý làm quân bình nhóm ấy qua trí tuệ và phân biện sáng suốt. Nếu anh bị hình tư tưởng của nhóm khuất phục và trở nên sùng mộ, tập thiền lối hiến dâng và quên phần việc của mình là đem lại thăng bằng cho nhóm, anh đã gây họa cho mình và cho cả nhóm của anh.

3. Cõi Tình Cảm
Ở đây con người thuộc về các nhóm sau:
●  Quyến thuộc cõi tình cảm, là nhóm của anh và thân nhiều hơn là gia đình mà anh sinh ra ở cõi trần, khi hai người như vậy gặp ở trần, họ nhận ra nhau ngay tức khắc.
●  Lớp của họ, nơi họ tiếp thu nhiều huấn thị.
●  Nhóm người cứu trợ vô hình, hay nhóm phụng sự mà họ là thành viên.
Tất cả các nhóm này đều hàm ý trách nhiệm, công việc, và phải được kể tới khi đi tìm phương pháp thiền thích hợp. Thiền phải nhằm gia tăng khả năng trang trải nhân quả, cho cái nhìn sáng suốt, phán xét khôn ngoan, và thấu hiểu công chuyện trước mặt. Điều gì cản ngăn những chuyện trên đều nguy hại.

4. Cõi Trí
Có thể ghi ra hai nhóm.
●  Nhóm đệ tử của một Chân Sư mà họ có liên hệ hay làm việc dưới ngài, thường đây chỉ là trường hợp của ai sắp vào đường Đạo và đang nhanh chóng trả sạch nhân quả. Việc thiền của anh do đó được Chân Sư trực tiếp chỉ dẫn. Bất cứ phương thức nào không được điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu của họ, có thể sinh tai họa vì làn rung động ở cõi trí và lực từ đó sinh ra mạnh hơn cõi thấp bội lần.
●  Nhóm Chân nhân của mỗi người. Rất quan trọng vì cần biết cung để xác định cách tham thiền.
Qua những phần trên chúng ta không ghi rõ nguy hại của riêng mỗi thể, mà đó là chuyện bất khả lúc này. Tuy nhên, lời cảnh cáo đưa ra với ý chỉ đường và người học thiền  không thể trông mong gì hơn thế. Bậc thầy bên trong nhắm tới việc đào tạo người biết suy nghĩ, nhìn sự việc rõ ràng, lý luận mạch lạc. Phương pháp ngài dùng là khiến chúng ta tự phát triển, tự mình suy xét, tìm ra lời giải của vấn đề và vun trồng đức tính; đường Đạo thường là như vậy.

D. Nguy Hiểm từ những Lực Cõi Tthanh
Đây là đề tài khó khăn vì người trung bình thường không có ý niệm về tính chất các lực này, cùng thành phần các nhóm hoạt động ở cõi vô hình, cũng như không thể tiết lộ nhiều trong tài liệu cho công chúng. Vì vậy chỉ có thể bàn vắn tắt.

I. Các Nhóm Liên Hệ.
Chia thành hai loại: các vong linh ở cõi tình cảm hay cõi trí, deva hoặc đơn độc hoặc tụ đám (deva: chỉ chung thiên thần và tinh linh, cả tốt lẫn xấu) và tả đạo. Ta sẽ nói riêng về từng nhóm, nhưng trước tiên là vài nét căn bản. Nguy hiểm xẩy ra từ tình trạng mà đôi khi tham thiền gây nên trong ba thể, các tình trạng ấy là:
Trạng thái tiêu cực làm cả ba thể yên tĩnh để ghi nhận, vì thế mở cửa cho dân cư cõi thanh tấn công.
Vô minh và nông nổi, khi con người thử dùng phương pháp và chú ngữ mà không có phép của vị huấn sư, khiến họ tiếp xúc được với deva cõi tình cảm và cõi trí mà do thiếu hiểu biết, anh trở thành mục tiêu cho họ tấn công, trò chơi cho bản năng phá hoại của họ.
Hay ngược lại, con người chủ động thành con kinh cho lực hay quyền năng. Họ tiến bộ với sự giúp đỡ của vị thầy, sử dụng lực ở cõi thanh và do đó là tâm điểm chú ý cho ai kình nghịch chánh đạo.
Hai tình trạng đầu là kết quả việc tập thiền thiếu khôn ngoan, mù quáng; cách chữa nằm ngay trong chính thiền sinh, và trong việc chấn chỉnh lại phép thiền, theo sát hơn. Cái chót thường là phản ứng khi ta thành công, và được hóa giải bằng nhiều cách ở sau.

II. Nguy Hiểm do Chiếm Nhập

Các vong linh thường gây ra việc chiếm nhập, hoặc tạm thời chỉ trong khoảnh khắc ngắn hoặc kéo dài hơn, và cĩng có thể trở nên vĩnh viễn suốt đời. Nó được sinh  ra phần lớn do thái độ tiêu cực khi tập thiền bằng phương pháp không hợp. Lòng náo nức muốn nhận sự sáng từ cõi cao, nhất quyết sao cho tiếp xúc được với bậc thầy, và nỗ lực sa thải mọi tư tưởng cùng làn rung động thấp, khiến thiền sinh phạm lỗi là đặt trọn phàm nhân vào tình trạng đón nhận. Thay vì làm nó tích cực mạnh mẽ so với chung quanh, với mọi cái thấp hơn khi tiếp xúc, và thay vỉ chỉ để cái trí mở rộng chờ nhận ý tưởng truyền từ cõi trừu tượng, trực giác, người bạn lại

cho phép nó đón rước mọi nguồn, mọi bề.
Chỉ nên có một điểm trong não bộ sẵn sàng lãnh ghi, kỳ dư trọn tâm thức phải định hướng sao cho khuấy rầy từ bên ngoài không thể xẩy ra cho cả thể tình cảm lẫn thể trí, tuy trong đa sô trường hợp chỉ nói về thể trí mà thôi. Vào giai đoạn này của lịch sử trái đất, có quá nhiều linh hồn ngụ ở cõi trung giới và cõi trần rất nhạy khi đáp ứng lại với cõi tình cảm, nên hiểm họa to tát nhất so với từ trước đến giờ. Nhưng cũng có cái hay trong cái dở, phản ứng với những khích động từ cõi cao lại mau chóng, lẹ làng chưa từng thấy. Hứng khởi thiêng liêng hay chiếm nhập thiêng liêng xẩy ra cho những linh hồn tiến xa, là một trong những phương pháp chắc chắn được các đấng cao cả sử dụng để giúp đời.
Sự phân biệt là trong việc chiếm nhập sai quấy, vong linh chiếm xác tác oai tác quái và con người bị động, hoặc vô ý thức hoặc miễn cưỡng cộng tác. Với sự chiếm nhập thiêng liêng, con người có đầy đủ tri thức và hữu ý hợp tác với Vị tìm cách truyền giáng, hay sử dụng các hạ thể của họ. Mục tiêu của việc sau là nhằm giúp đời nhiều hơn, sự chiếm nhập vì vậy không phải là kết quả của tình trạng tiêu cực nhưng là tích cực làm việc chung diễn tiến theo luật, và trong một thời gian định sẵn. Càng ngày càng có nhiều người phát triển được tâm thức không gián đoạn, giữa cõi trần và cõi tình cảm, rồi cõi trí, việc chuyển nhượng các thể xẩy ra nhiều hơn và được hiểu rõ hơn.

III. Nguyên Do của sự Chiếm Nhập
Trong tương lai đây sẽ là đề tài cho khoa học nghiên cứu. Thường thường sách vở ghi là sự chiếm nhập và điên cuồng di chung với nhau. Điên dại xẩy ra cho cả ba thể, ở thể xác thì ít nguy hại nhất còn ở thể trí thì kéo dài nhất và khó chữa hơn hết. Chuyện sau là phần số nặng nề xẩy đến cho ai theo con đường tàn nhẫn ích kỷ trong nhiều kiếp, dùng trí tuệ làm phương tiện phục vụ mục đích ích kỷ, cố ý làm vậy dù biết là sai.
Nhưng diên dại trong trường hợp này là cách thức đôi khi Chân nhân dùng ,để ngăn chận một ai hướng về tả đạo, thế nên bệnh là chuyện lành trong chuyện dữ.
Nói riêng về sự chiếm nhập, có bốn lý do và mỗi cái theo cách chữa khác nhau.

1. Do một thể sinh lực có nhược điểm rõ rệt nằm ở màng phân cách, cho phép vong linh ở ngoài từ cõi tình cảm đi vào. Mang này có tính chất co dãn, là cửa xuất nhập và ở đây cửa không đóng kín khiến cho từ ngoài có thể bước vào. Đây là nguyên nhân nằm ở cõi trần, là việc chất liệu cõi trần không đan khít khao với nhau do nhân quả. Tật này bẩm sinh và xẩy ra từ phút đầu tiên khi tạo hình các thể. Thường thường người bệnh có thể chất yếu, trí tuệ kém nhưng tình cảm mạnh mẽ, dằng co chống cự lại việc chiếm xác. Sự tranh dành xẩy ra không đều đặn và thường gặp ở phái nữ hơn.
Cách chữa: Thể xác cần được chấn chỉnh mạnh mẽ hơn, cả xác thân vật chất và đặc biệt là thể sinh lực. Trong tương lai việc này được thực hiện với sự giúp đỡ trực tiếp của thiên thần cõi ether, ánh sáng tím và âm tương ứng sẽ được dùng trong phòng yên tĩnh để củng cố màn lưới thể sinh lực (tím là mầu thiên thần cõi ether). Khi thể xác mạnh dần sự tấn côn thưa bớt rồi cuối cùng mắt hẳn.)

2. Do thiếu hòa hợp giữa thể tình cảm và thể xác, ban đêm khi con người bước ra khỏi thể xác và sinh hoạt trong thể tình cảm, đó là cơ hội cho người khác chiếm, khi trở về nhập vào thể xác, chủ hợp pháp của xác ấy gặp khó khăn, bị ngăn không cho lấy lại. Dạng này thường nhất, người bị ảnh hưởng có thể xác mạnh mẽ, rung động của thể tình cảm vững vàng nhưng trí tuệ yếu. Sự tranh dành và chống cự biểu lộ bằng cảnh hung tợn, la hét chói tai, có khi rúm người như lên cơn động kinh. Phái nam bị nhiều vì phái nữ thường mạnh về mặt tình cảm hơn.
Cách chữa: Một trong những cách đầu tiên chắc chắn phải làm là trục vong linh, bằng thần chú và phép trừ tà (như các nghi lễ tôn giáo). Người đủ tư cách sẽ dùng thần chú vào ban đêm (bởi thể xác ngủ và vong linh có thể vắng mặt), gọi chủ nhân hợp pháp trở về, nó còn dựng nên bức tường che chở sau khi người này nhập vào xác, tìm cách không cho vong linh tái chiếm. Khi chủ nhân đã trở lại thì bước kế là giữ họ trụ vào xác ấy. Sự chỉ dẫn ban ngày và bảo vệ ban đêm trong một thời gian, sẽ từ từ loại ra vong linh muốn chiếm nhập, về sau người bạn sẽ không còn bị vong linh trục xuất nữa.

3. Loại hiếm hơn là chiếm nhập thể trí, trong tương lai khi trí tuệ càng lúc càng phát triển các trường hợp bệnh này có thể tăng hơn. Tai nạn xẩy ra hiếm vì xẩy ra nơi cõi trí, thể xác và thể tình cảm vẫn còn dính chặt chẽ với nhau, nhưng con người bị tách rời khỏi chúng và chỉ còn lưu trong thể trí, mất quyển kiểm soát với hai thể thấp, vì chúng bị vong linh chiếm nhập. Lý do của bệnh nằm ở việc trí tuệ phát triển quá độ, cùng với sự yếu kém của xác thân và tình cảm. Con người dùng lý trí tới mức không màng đến hoạt động của hai thể thấp, họ thiên vào chuyện suy tư cõi trí khiến các vong linh muốn xâm nhập có cơ hội nhẩy vào kiểm soát. Tựu trung, nó là kết quả của sự phát triển thiên lệch, thường lộ sớm lúc còn trẻ và khó chữa trị. Bệnh thấy dồng đều ở cả nam lẫn nữ.
Cách chữa: Chuyện khó làm hơn, đa số trường hợp chữa lành thuộc hai bệnh trên còn đối với sự chiếm nhập cái trí, ta phải chờ đến khi có hiểu biết nhiều hơn. Phần lớn công việc phải làm ở cõi trí, do ai có thể sinh hoạt tự do ở đó và nhờ thế bắt được liên lạc vời người bạn trong thể trí. Phải có sự thỏa thuận hợp tác của họ rồi sửa soạn tấn công rõ ràng vào thể tình cảm và xác thân. Ở hai trường hợp đầu phần lớn việc chữa bệnh làm ban đêm, nhưng khi ta phải dành lại vừa thể xác vừa thể tình cảm, công việc khó bội phần và chung cuộc thường là cái chết.

4. Chuyện hiếm hơn nữa do tả đạo mà ra, họ cắt đứt dây từ lực nối liền Chân nhân với thể xác, làm con người chỉ còn lưu lại trong hai thể cao hơn. Bình thường chuyện như vậy sẽ gây ra cái chết cho xác thân nhưng vị huynh đệ tả đạo - muốn dùng xác ấy - sẽ nhập vào, nối nó với dây từ lực của chính mình. Tai nạn chỉ xẩy ra cho hai hạng người:
– Người tiến hóa và đi trên đường Đạo nhưng còn một nhược điểm nặng nề nào đó, vào một kiếp chỗ sơ hở ấy bị tà lực tấn công. Sự chiếm nhập biểu lộ qua việc tánh khi thay đổi hoàn toàn, thấy khi một linh hồn cao đẹp bỗng như rớt xuống vực thấp hèn, làm nhơ bẩn tư cách của họ. Trừng phạt cảm được ở thế giới vô hình vì người bạn đau khổ trong thể trí, chứng kiến thân xác làm điều tàn hại cho chính thanh danh mình, và gây chuyện ác cho lý tưởng hằng ôm ấp.
– Người tiến hóa thấp, các thể còn tổ chức lỏng lẻo và do đó không cưỡng được sự tấn công.
Cách chữa: Không có cách náo.

IV. Thành Phần Chiếm Nhập
Có rất đông nên ta chỉ liệt kê một ít:
– Vong linh hạng thấp đang chờ tái sinh và thấy cơ hội ở trường hợp 1 và 2.
– Người tự tử, lo lắng muốn chữa lại sai sót này và xuống cõi trần trở lại.
– Vong linh chưa siêu thoát - cả tốt lẫn xấu - còn bận tâm về người thân, chuyện làm ăn, muốn làm điều quấy hay đền bù lại sự nhầm lẫn, xông vào trường hợp 1 và 2,
–  Vị huynh đệ tả đạo, hay ra tay trong trường hợp 3 và 4. Họ cần những thể đã phát triển khá, không nhắm tới những thể yếu đuối hay chưa tinh luyện. Sự yếu kém các thể ở 3 chỉ là tương đối do quá thiên về thể trí.
– Tinh linh thấp, loại xấu, nhẩy ngay vào khi có cơ hội dù lớn dù nhỏ và có làn rung động tương tự.
– Deva thấp, vô hại nhưng ưa phá khuấy, chỉ muốn đùa giỡn thích chí, nhập xác tựa như trẻ con muốn mặc y phục người lớn để chơi.
– Đôi khi có khách đến từ những hành tinh khác, nhập vào các thể rất đỗi tiến hóa để thực hiện việc các ngài. Điều này hiếm vô cùng.

V. Nguy Hiểm do Đường Tiến Hóa của Deva
Vài điều cần được nói qua vẻ deva, chữ này dùng chung cho tinh linh và thiên thần, từ loài thấp nhất chưa có ngã thức đến các đại thiên thần ngang hàng với bậc Chân Sư. Loài thấp chưa có sự phân biệt thiện ác, có thể được sai khiến bằng bùa chú thi hành ý muốn của người, thí dụ là âm binh phù thủy sử dụng.
Bởi con người có thể tiếp xúc với deva qua huyền thuật và bùa chú, người không phòng bị dễ gặp nguy hiểm vì các lý do:

●  Cung 7 hay cung Nghi Thức sắp đến với địa cầu sẽ giúp cho có tiếp xúc này dễ dàng hơn trước, nhờ cung này loài người và thiên thần gặp nhau khi theo đúng nghi thức, tiến lui nhịp nhàng có quy củ. Những buổi hành lễ tôn giáo đi theo đường này, và càng ngày càng được lan rộng khiến có rủi ro là cách thức hành lễ trở nên phổ thông, ảnh hưởng lên ai không biết đề phòng.
Hai con đường tiến hóa của người và thiên thần sẽ gặp nhau nhưng sự việc tiến hành rất chậm. Nguy hiểm xẩy ra khi con người dại dột sử dụng lễ nghi để triệu deva, dùng Thánh Ngữ kêu gọi deva nào đáp ứng với âm đó, đồng thời tìm cách khai thác bí mật của phép hành lễ có liên quan đến âm thanh và mầu sắc. Chuyện này không có gì phải vội vàng, bởi khi bước vào cửa đạo con người sẽ được dạy những hiểu biết đó, cùng với chỉ dẫn sử dụng cho đúng luật. Nguy hiểm bị loại trừ khi luật được theo sát.

●  Nhân loại xông xáo đi tìm cái mà họ không biết, nhất định chọc thủng màn bí mật. Họ ý thức trong người có những quyền năng sáng tạo mà thiền có thể làm bén nhậy hơn; con người khám phá là nếu cản thận làm theo một số qui tắc, họ sẽ hóa nhậy cảm hơn với âm thanh và hình ảnh của thế giới bên kia. Đôi khi họ thoáng gặp cảnh tượng của thế giới ấy, thấy deva, nghe giọng nói lạ thốt điều mà họ nhìn nhận là đúng. Việc tiến sâu thêm, thiền lâu hơn, áp dụng vài phép để tăng cường khả năng siêu hình thành cám dỗ khó cưỡng, nhưng họ không dè mình quá mạnh tay gây nên tai họa ghê gớm. Ta cần nhớ kỹ điều này, tham thiền là chơi với lửa theo đúng nghĩa đen. Các deva cõi trí nhào nắn lửa chìm trong thái dương hệ, và do đó luôn cả lửa ẩn tàng trong con người; trở thành trò đùa trong tay họ để rồi thiệt mạng là chuyện có thể xẩy ra.
●  Thời kỳ chuyển tiếp hiện nay (giữa cung 6 và cung 7 sắp thay) sinh ra nhiều tai họa. Loại cơ thể thích hợp để cầm giữ và dùng lực huyền bí chưa được tạo, nên trong buổi giao thời cơ thể hiện giờ sẽ bị họa lớn cho ai có nhiều tham vọng. Khi bắt đầu việc thiền theo khoa huyền bí, phải cần mười bốn năm để làm lại các thể thanh lẫn thể xác. Trong suốt thời gian đó táy máy với cái chưa biết là chuyện không an toàn, bởi chỉ một thể xác khang kiện thanh nhẹ, tình cảm vững vàng, quân bình có kiểm soát và trí tuệ nẩy nở đúng cách mới có thể bước vào cõi thanh, làm việc với lực vũ trụ.
Đó là tại sao các bậc Thầy Minh Triết ở đâu đâu cũng nhấn mạnh, phải Tinh Luyện phẩm hạnh trước khi được Soi Sáng; các ngài đặt nặng việc phát triển khả năng tinh thần (thương yêu, phân biện v.v.) trước khi khả năng siêu hình có thể được tập luyện an toàn; các ngài đòi hỏi mỗi ngày trong đời người phải được dùng để giúp đời, trước khi một ai được phép sai khiến các lực trong thiên nhiên, chế ngự tinh linh, hợp tác với deva, học hỏi phép thuật và nghi lễ thần chú, những cái khiến lực biểu lộ.

VI. Nguy Hiểm từ các Huynh Đệ Tả Đạo
Điều muốn nhấn mạnh ở đây là với người trung bình không có gì cần phải sợ từ các vị này. Ta cần nhớ rằng tuy họ đi lầm đường, họ vẫn là con cùng Cha với chúng ta, và là huynh đệ. Ở cõi trần và cõi tình cảm, dường như họ có nhiều quyền năng hơn chánh đạo, ta nói dường như vì chánh đạo chọn không biểu lộ quyền năng ở hai cõi này, mà chỉ làm việc từ cõi trí (đó là lý do khi muốn làm việc với các ngài, chúng ta phải đạt một mức phát triển trí tuệ nào đó, và lòng sùng mộ không chưa đủ), nói khác đi các ngài làm việc với đường đi lên thay vì đường đi xuống. Những phòng bị sau giúp con người tránh được nguy hiểm từ phe tả đạo.
●  Học tánh phân biện, trau luyện nó cặn kẽ trong việc lớn cũng như việc nhỏ, trong đời sống hằng ngày, bởi ảo ảnh hay được dùng để mê hoặc người; nó có thể ở cõi tình cảm hay cõi trí, nhưng hay thuộc về tình cảm.
●  Ý thức rằng sự thanh khiết các thể là điều tối cần thiết. Nếu vị huynh đệ tả đạo chế ngự được ai, điều ấy tỏ rằng người bạn còn một điểm yếu nào đó trong đời, chỉ có anh mới mở cửa giúp cho việc bị khống chế, cánh cửa mà lực xấu tuôn vào phải do chủ nhân các thể mở. Vì thế xác thân phải thật tinh sạch, tình cảm thanh bai vững chãi, tư tưởng trong sáng. Được như vậy không gì có thể bước vào.
●  Lòng vô úy. Lực trên đường đi lên rung động mau hơn cái trên đường đi xuống, nên tự nó là yếu tố an toàn. Lo sợ sinh yếu lòng, yếu lòng gây rã rời, điểm yếu bị chọc thủng tạo khe hở khiến lực xấu qua đó thấu nhập. Tóm lại khi sợ hãi con người tự mở cửa đón ảnh hưởng ngoại lai.
●  Vững lòng không lay chuyển dù có chuyện xẩy ra. Chân ta có thể dẫn lên bùn trên đất nhưng đầu ta ngẩng tắm nắng ở cõi cao.
●  Sử dụng óc phán đoán thông thường: ăn đúng cách, ngủ nhiều, tình cảm tràn đầy không ngưng, nội tâm an lạc, bắt thể xác làm việc nhưng cũng biết tránh quá độ và biết chơi đùa, vì giờ phút nghỉ ngơi giúp xóa đi căng thẳng trong tâm hồn.

Theo:
Letters on Occult Meditation, A.A. Bailey

Xem Bài Liên Quan